Điều tra đánh giá thực trạng vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân vùng nông thôn Việt Nam năm 2023

Thứ hai - 17/03/2025 12:15
Đánh giá thực trạng điều kiện VSCN, VSMT Việt Nam là một nghiên cứu cắt ngang có phân tích. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp với nghiên cứu định tính trên địa bàn 54 xã, 18 huyện của 6 tỉnh đại diện cho 6 vùng sinh thái là Tuyên Quang (TD&MNPB), Thái Bình (ĐBSH), Hà Tĩnh (BTB&DHMT), Đắk Lắk (Tây Nguyên), Đồng Nai (Đông Nam Bộ), Trà Vinh (ĐBSCL). Ngoài ra, còn sử dụng phương pháp rà soát và thu thập số liệu thứ cấp liên quan đến nước ăn uống sinh hoạt, nhà tiêu hộ gia đình từ 2018 đến 2022.
Nguồn nước ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu hộ gia đình của 63 tỉnh/thành qua rà soát số liệu thứ cấp từ 2018 – 2022
Trong giai đoạn từ 2018-2022, cả nước có 92,3-95,4% HGĐ có nước HVS, nhưng chỉ 60,2-69,5% HGĐ có nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Năm 2022, tỷ lệ có nước sạch cao nhất ở vùng ĐBSH (88,1%), tiếp đến là vùng ĐBSCL (81,4%), đông nam bộ (74,2%), BTB&DHMT (54,9%), TD&MNPB (44,6%) và thấp nhất là ở vùng Tây Nguyên (27,9%).
93,9- 96,9% HGĐ có nhà tiêu trong giai đoạn 2018-2022. Tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu HVS có xu hướng tăng từ 82,0% năm 2018 tăng lên 88,7% năm 2022; cao nhất ở vùng đông nam bộ (97-98,5%), tiếp đến là vùng ĐBSH (89-95,2%), BTB&DHMT (78,2-85,6%), ĐBSCL (76,8-84,5%), TD&MNPB (69,8-80,4%) và thấp nhất là ở vùng Tây Nguyên (71,5-76,7%).
Nguồn nước ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu hộ gia đình từ 2018-2022 của 6 tỉnh khảo sát qua thu  thập số liệu từ CDC
Tỷ lệ HGĐ trong 6 tỉnh khảo sát có nước HVS là 87-91,7% và ở thành thị giao động từ 99,2% đến 99,7%, cao hơn rõ rệt ở nông thôn (83,1-89%).
Tỷ lệ HGĐ có nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt (43-50,8%), thấp hơn trung bình cả nước; ở thành thị (67,7-72,8%), cao hơn ở nông thôn (35,1-43,2%).
Nguồn nước có tại nhiều HGĐ của 6 tỉnh khảo sát là nước máy trạm tập trung (42,8-50,6%), ở khu vực thành thị (67,7 - 72,7%) cao hơn đáng kể ở khu vực nông thôn (34,9 – 42,9%). Các loại nguồn nước khác là giếng khơi (19,2-22,6%), giếng khoan (20,2-21%), nước mưa (1,1-1,2%), nước máy trạm cấp nhỏ lẻ (0,2%).
Tỷ lệ HGĐ trong 6 tỉnh khảo sát có nhà tiêu là (88,8-97,1%), có nhà tiêu HVS là 77,4-88,9% và ở thành thị (96,7% đến 99,2%), cao hơn rõ rệt ở nông thôn (70,1-85,3%). Tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu HVS năm 2022 cao nhất ở Đồng Nai (98,7%), tiếp đến là Thái Bình (95,2%), Trà Vinh (92,5%), cao hơn đáng kể ở Tuyên Quang (82,1%), Đắk Lắk (82,4%) và cao hơn nhiều ở Hà Tĩnh (66,6%).
Loại nhà tiêu HVS hiện có phổ biến ở 6 tỉnh khảo sát là tự hoại (52,3- 63,4%) và thấm dội nước (19,9-23%). Rất ít HGĐ ở 6 tỉnh khảo sát có nhà tiêu khô nổi và nhà tiêu khô chìm.
Nguồn nước ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu tại các TYT từ 2018-2022 của 6 tỉnh khảo sát qua thu  thập số liệu từ CDC
Tỷ lệ TYT có nước sạch tại 6 tỉnh khảo sát là 52,8-63%, cao nhất ở Thái Bình, Trà Vinh (100%), tiếp đến là Đồng Nai (22,2-89,4%), Hà Tĩnh (39,8-40,1%), Đắk Lắk (23,8-24,9%), còn thấp nhất là ở Tuyên Quang (21,3-22,5%).
Tỷ lệ TYT tại 6 tỉnh khảo sát có nhà tiêu loại HVS đạt cao và ít biến động qua các năm từ 2018 – 2022 (99,4-100%). Đến đến nay, tất cả các TYT trong 6 tỉnh khảo sát đều có nhà tiêu loại HVS. Đó là nhà tiêu tự hoại (94,5%) và chỉ một số ít TYT (5,5%) ở Đắk Lắk và Hà Tĩnh có nhà tiêu thấm dội nước.
Nguồn nước chính cho ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu tại các trường mầm non, tiểu học và THCS từ 2018-2022 của 6 tỉnh khảo sát qua thu  thập số liệu từ CDC
Tỷ lệ trường học tại 6 tỉnh khảo sát có nước HVS từ 2018 – 2022 cao (99,8-99,9%), nhưng tỷ lệ trường học có nước sạch còn thấp (47,9-49,1%); ở Thái Bình và Trà Vinh (100%) cao hơn nhiều ở Hà Tĩnh (39,9-43,9%), Đồng Nai (27,4-31,1%), Tuyên Quang (23,1-25,1%), Đắk Lắk (18,9-20,7%).
Tỷ lệ trường học tại 6 tỉnh khảo sát có nhà tiêu HVS đạt khá cao (93,3-96,6%) và hầu hết là nhà tiêu tự hoại (86,8-90,9%), chỉ 8,3-9% số trường học ở Đắk Lắk và Đồng Nai có nhà tiêu thấm dội nước.
Nguồn nước chính cho ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu hộ gia đình từ 2028-2022 tại 18 huyện khảo sát qua thu  thập số liệu từ TTYT
Tỷ lệ HGĐ trong 18 huyện khảo sát có nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt là 40-45,2%; ở thành thị (65,1% đến 83,7%), cao hơn ở nông thôn (38,4-42,3%); ở Thái Bình (91-95,7%) và Trà Vinh (66,4-77,6%), cao hơn nhiều ở Tuyên Quang (16,4-16,8%), Hà Tĩnh (14,8-19%), Đắk Lắk (10,1-13,3%), Đồng Nai (4,2-14,2%). Trong khi tỷ lệ HGĐ có nước HVS là 86,2- 89,6%; ở thành thị (95,7-98,4%) cao hơn ở nông thôn (85,4-89,2%).
Nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt của HGĐ bao gồm nước máy trạm tập trung (39,1-44,5%), giếng khoan (26,9-27,4%), giếng khơi (16,1-17,1%).
Tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu HVS tại 18 huyện khảo sát có xu hướng tăng lên, từ 80% năm 2018 tăng lên 90,1% năm 2022; ở thành thị cao hơn đáng kể ở nông thôn; năm 2018 và 2022 cao nhất ở Đồng Nai (95,4% và 98,6%), còn thấp nhất ở Tuyên Quang (64,8% và 78,7%).
Loại nhà tiêu HVS hiện phổ biến ở 18 huyện khảo sát là tự hoại (51,2-61,4%) và thấm dội nước (19,8-21,5%). Rất ít HGĐ có nhà tiêu khô nổi và khô chìm.
Nguồn nước chính cho ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu từ 2028-2022 tại các TYT của 18 huyện khảo sát qua thu  thập số liệu từ TTYT
Tỷ lệ TYT có nước sạch tại 18 huyện khảo sát là 48,3-52%; hiện ở Thái Bình và Trà Vinh (100%) cao hơn nhiều ở Đồng Nai (26,8-45%), Hà Tĩnh (11,4-21%), Đắk Lắk (17,6%) và Tuyên Quang (7,3-7,8%). Tỷ lệ TYT có nước HVS tại 18 huyện khảo sát là 95,3-97,2%.
Tỷ lệ TYT có nhà tiêu HVS tại 18 huyện khảo sát khá ổn định và có xu hướng tăng, từ 97,4% năm 2018 tăng lên 98,3% năm 2022. Năm 2022 tất cả các TYT của 17 huyện khảo sát có nhà tiêu HVS và đều là tự hoại, trừ Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh (90,3% TYT có nhà tiêu HVS).
Nguồn nước chính cho ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu tại các trường mầm non, tiểu học và THCS từ 2018-2022 của 18 huyện khảo sát qua thu  thập số liệu từ TTYT
Tỷ lệ trường học có nước sạch tại 18 huyện là 43,4-45,9%; ở Thái Bình và Trà Vinh (100%) cao hơn nhiều ở Đồng Nai (19,3-29,3%), Hà Tĩnh (11,8-20,7%), Đắk Lắk (11,2 -12%), Tuyên Quang (7,8-8,3%); và không chênh lệch nhiều giữa các bậc học. Tỷ lệ trường học có nước HVS tại 18 huyện khảo sát ít biến động, giao động trong khoảng từ 97-97,6%.
Tỷ lệ trường học có nước máy giao động từ 44,1-46,6%, thấp hơn trường có nước giếng khoan và giếng khơi (50,8-53,4%).
Tỷ lệ trường học có nhà tiêu loại HVS tại 18 huyện khảo sát đạt cao và khá ổn định (99,3-99,6%). Hầu hết nhà tiêu hiện có tại các trường học ở 18 huyện khảo sát là nhà tiêu tự hoại (96,5-99,1%) và chênh lệch không nhiều giữa các bậc học.
Kiểm trực tiếp nguồn nước chính cho ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu tại 54 TYT khảo sát
Theo quan sát trực tiếp của các điều tra viên, 98,1% nguồn nước cho rửa tay và sinh hoạt ở TYT là nước HVS. Chỉ có 1 TYT ở Hà Tĩnh là không đạt tiêu chí HVS.
Qua kiểm kết quả xét nghiệm có sẵn, 58,5% TYT có nước cho rửa tay và 59,3% TYT có nước cho sinh hoạt là nước sạch. Tỷ lệ TYT có nước sạch cho rửa tay và sinh hoạt cao nhất ở Thái Bình và Trà Vinh (100%), còn thấp nhất ở Đắk Lắk (33,3%).
Theo quan sát, 98,1% TYT có khu vực rửa tay ở khu vệ sinh, có vòi nước cho rửa tay hiện đang hoạt động, có dụng cụ lấy nước rửa tay tiện lợi. Khoảng cách trung bình từ nhà tiêu đến khu vực rửa tay gần nhất là 1,6 ± 0,8m. Tại thời điểm quan sát, 84,9% khu vực rửa tay có xà phòng rửa tay. Tất cả các khu vực rửa tay (100%) có đủ nước để rửa tay, nước thải sau khi rửa tay có thoát đi.
Tất cả các TYT khảo sát đều có nhà tiêu đang hoạt động và là nhà tiêu tự hoại. Trong đó, 94,4% số TYT được khảo sát có nhà tiêu đạt HVS cả về xây dựng, bảo quản và sử dụng.
Kiểm trực tiếp nguồn nước chính cho ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu tại 3887 trường mầm non, tiểu học và THCS của 54 xã khảo sát
Theo quan sát trực tiếp của các điều tra viên tại các trường học khảo sát, 97,4% nước cho rửa tay và 99,4% nước cho sinh hoạt đạt tiêu chí HVS.
Qua kiểm kết quả xét nghiệm có sẵn, 56,5% trường học có nước cho rửa tay và 60,4% có nước cho sinh hoạt là nước sạch. Tỷ lệ trường học có nước sạch cho rửa tay và sinh hoạt cao nhất ở Thái Bình (100%), còn thấp nhất ở Đồng Nai (14,8% và 18,5%).
Theo quan sát, 100% trường học có khu vực rửa tay ở khu vệ sinh, 99,4% có vòi nước cho rửa tay với 95,1% số vòi hiện đang hoạt động. 100% trường học có dụng cụ lấy nước rửa tay tiện lợi. Khoảng cách từ nhà tiêu đến khu vực rửa tay gần nhất là 2,3 ± 1,8 m. Tại thời điểm quan sát, 80,5% khu vực rửa tay có xà phòng rửa tay. Tất cả các khu vực rửa tay (100%) có đủ nước để rửa tay, 95,5% số trường học khảo sát nước thải không đọng lại ở khu vực rửa tay.
Theo quan sát, tất cả các trường học được khảo sát có nhà tiêu hiện đang hoạt động và hầu hết là nhà tiêu tự hoại. Riêng Đắk Lắk và Đồng Nai, mỗi tỉnh còn 1 trường có nhà tiêu thấm dội nước.
Đối với các trường mầm non, tính trung bình có 7,2 học sinh trên một bệ xí, đảm bảo theo quy định TCVN 3907: 2011 (trung bình 10 trẻ ở độ tuổi mẫu giáo cần thiết kế một xí bệt). Đối với bậc tiểu học, trung bình 48,2 học sinh nam/1 bệ xí và 41,6 học sinh nữ/1 bệ xí, chưa đạt theo TCVN 8793:2011 (20-30 học sinh nam/1 bệ xí và 20 học sinh nữ/1 bệ xí). Tại các trường THCS, bình quân có 46,1 học sinh nam/1 bệ xí và 39,7 học sinh nữ/1 bệ xí, chưa đạt theo TCVN 8794:2011 (30 học sinh nam/1 bệ xí và 20 học sinh nữ/1 bệ xí).
Theo quan sát, 87,7% số trường học được khảo sát có nhà tiêu đạt HVS cả về xây dựng, bảo quản và sử dụng, cao nhất ở Đồng Nai (100%), còn thấp nhất ở Đắk Lắk (65,4%). Tỷ lệ trường học có nhà tiêu đạt HVS về xây dựng (96,1%), cao hơn số trường có nhà tiêu đạt HVS về sử dụng, bảo quản (87,7%).
 

Kiến thức và hành vi về VSMT, xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS của 1944 chủ hộ gia đình tại 6 vùng sinh thái
Hiểu biết của người dân về ảnh hưởng của phóng uế bừa bãi và các bệnh có thể mắc khi tiếp xúc với phân người còn hạn chế: hầu hết chỉ dưới 1/3 kể được các ảnh hưởng và các bệnh có thể mắc, trong khi còn 6,4% số người được phỏng vấn không kể được đúng tên một bệnh nào khi tiếp xúc với phân người.
Hiểu biết về loại nhà tiêu HVS cũng chưa đầy đủ. Có 92% đối tượng phỏng vấn kể được nhà tiêu tự hoại là loại nhà tiêu HVS, các loại nhà tiêu thấm dội nước, khô nổi, khô chìm có ít người kể là loại nhà tiêu HVS (dưới 29%). Một số ít người (0,7%) còn coi nhà tiêu tro/thùng, cầu tiêu ao cá cũng thuộc loại nhà tiêu HVS.
99,3% gia đình của các đối tượng được phỏng vấn đã có nhà tiêu, hầu hết là nhà tiêu tự hoại (84,4%). Một số HGĐ có nhà tiêu thấm dội nước (11,2%). Rất ít gia đình có nhà tiêu gắn với bể Biogaz (1,1%), nhà tiêu khô 2 ngăn (1,2%) nhà tiêu chìm có ống thông hơi (0,7%), nhà tiêu khô 1 ngăn (0,1%).
Kết quả kiểm của điều tra viên về tình trạng vệ sinh về xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu theo QCVN 01:2011/BYT cho thấy: Có 96,5% số nhà tiêu thuộc loại HVS đạt HVS về xây dựng, 94,4% đạt HVS về sử dụng và bảo quản và 93% đạt HVS cả về xây dựng, sử dụng và bảo quản.
Kiến thức và hành vi về VSMT và sử dụng nước của cộng đồng tại 6 vùng sinh thái
Hiểu biết về các bệnh có thể mắc khi sử dụng nguồn nước ăn uống sinh hoạt không sạch chưa đầy đủ, hầu hết chỉ dưới 1/3 kể được tên các bệnh.
Tỷ lệ đối tượng phỏng vấn kể được các biện pháp bảo vệ nguồn nước không cao, biện pháp bảo vệ nguồn nước được nhiều người kể đến nhất cũng không đến 58%.
Hai biện pháp xử lý để tránh những bệnh gây ra do sử dụng nước không sạch được nhiều đối tượng phỏng vấn kể đến nhất và chênh lệch không nhiều giữa các tỉnh là lọc nước trước khi sử dụng (76,2%) và đun sôi trước khi ăn uống (73,6%).
92,9% hộ gia đình hiện có nước HVS nhưng chỉ 61,1% hộ gia đình được điều tra có nước sạch cho ăn uống sinh hoạt, cao nhất ở Thái Bình (98,8%), tiếp đến là Trà Vinh (94,1%), Đồng Nai (59,6%), Đắk Lắk (46,6%), Hà Tĩnh (43,8%) và thấp nhất ở Tuyên Quang (23,5%).
Có 51,1% số HGĐ được khảo sát có nguồn nước chính sử dụng cho ăn uống sinh hoạt là nước máy từ trạm cấp nước tập trung, 30,9% gia đình sử dụng nước giếng khoan, 12,6% sử dụng nước giếng khơi và một số ít gia đình sử dụng mước máy từ trạm nhỏ lẻ (1,7%), nước mưa (1,6%), nước máng lần có bảo vệ (2%), nước sông/suối (0,1%).
Kiến thức và hành vi về VSCN và rửa tay xà phòng của cộng đồng tại 6 vùng sinh thái
Tỷ lệ đối tượng được phỏng vấn kể được tên các bệnh có thể bị lây nhiễm khi bàn tay không sạch, cao nhất là bệnh tiêu chảy (70,4%), tiếp đến là bệnh giun sán (62,2%), tả (22,6%), lỵ (15,7%), bệnh về mắt (15,3%), bệnh ngoài da (13,9%), thương hàn (8,2%), bệnh phụ khoa (3,1%),…
Đa số đối tượng được phỏng vấn biết tác dụng của rửa tay bằng xà phòng là làm cho tay hết bẩn (76,1%) và quan trọng hơn là để loại trừ vi khuẩn phòng ngừa bệnh tật (70,7%).
Hai thời điểm quan trọng cần phải RTXP của các đối tượng được phỏng vấn kể đến với tỷ lệ khá cao là trước khi ăn (89,4%) và sau đại tiện (84,7%). Các thời điểm khác có tỷ lệ đối tượng phỏng vấn kể đến thấp (dưới 50%).
Tỷ lệ đối tượng phỏng vấn kể được đủ 6 bước  RTXP còn hạn chế. Bước có nhiều đối tượng kể đến nhất là bước 1 - Làm ướt bàn tay bằng nước, lấy xà phòng và chà hai lòng bàn tay vào nhau (88,5%), còn bước có ít người kể đến nhất là bước 5 - Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại (21,6%). Đặc biệt, còn 6,4% đối tượng phỏng vấn không kể được bước nào, cao nhất ở Hà Tĩnh (92,3%), tiếp đến là Tuyên Quang (7,4%), Thái Bình và Trà Vinh (5,2%), Đắk Lắk (4,9%) và thấp nhất ở Đồng Nai (4,6%).
Tại các HGĐ khảo sát, 60% có nước để rửa tay ngay gần nơi đại tiện và 29,3% có nước rửa tay cách nơi đại tiện dưới 5 mét; chỉ 10,6% gia đình có lấy nước rửa tay cách xa nơi đại tiện trên 5 mét.
Hầu hết gia đình có dụng cụ lấy nước rửa tay tiện nghi và đảm bảo vệ sinh là vòi nước (92,6%) và đa số gia đình còn có bồn hoặc chậu để chứa nước và hứng nước rửa tay (78,6%).
Lifebuoy là loại xà phòng rất phổ biến tại nơi rửa tay của các HGĐ khảo sát với 2 dạng bánh (56%) và gel (42,4%). Một xu hướng khá rõ là các gia đình ở miền Bắc sẵn có xà phòng bánh lifebuoy hơn, còn ở miền Nam và Tây Nguyên thì hiện sẵn có xà phòng dạng gel hơn.
Phần lớn đối tượng được phỏng vấn đều đã thực hiện hành vi RTXP ngày hôm trước thời điểm phỏng vấn. Tỷ lệ có RTXP trước khi chế biến thức ăn là 84,2%, cao nhất ở Hà Tĩnh (96,3%) và thấp nhất ở Tuyên Quang (53,7%). Tỷ lệ có RTXP trước khi ăn là 86,1%, cao nhất ở Đồng Nai (97,2%) và thấp nhất ở Tuyên Quang (61,7%). Tỷ lệ có RTXP sau khi đại tiện là 88,5%, cao nhất ở Hà Tĩnh (97,8%) và thấp nhất ở Thái Bình (75%). Tuy nhiên, còn 8,7% đối tượng phỏng vấn không RTXP ngày hôm qua, tập trung ở Tuyên Quang (16,7%) và Thái Bình (24,4%). Đa số người không RTXP ngày hôm qua đưa ra lý do là chỉ rửa tay bằng nước sạch cũng sạch (74,7%)
Về tiếp cận thông tin của người dân
Nguồn thông tin liên quan đến VSCN, VSMT, RTXP mà đối tượng phỏng vấn được tiếp nhận trong vòng 1 năm qua nhiều nhất vẫn là trực tiếp qua cán bộ y tế/nhân viên YTTB/CTV dân số (69,4%), cán bộ đoàn thể như phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên (38,8%). Thông tin đại chúng là nguồn thông tin quan trọng thứ 2, gồm truyền hình trung ương/tỉnh/huyện (41,5%), đài truyền thanh xã (39,9%), đài phát thanh trung ương/tỉnh/huyện (14,8%), internet (12,7%).
Nguồn thông tin liên quan đến VSCN, VSMT, RTXP mà đối tượng phỏng vấn thích được tiếp nhận nhất cán bộ y tế/nhân viên YTTB/CTV dân số (45,1%), cán bộ đoàn thể như phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên (8,8%), truyền hình trung ương/tỉnh/huyện (15,1%), đài truyền thanh xã (14,3%).
Một số yếu tố liên quan đến sự sẵn có nước sạch, nhà tiêu HVS và thực hành RTXP
Kết quả phân tích cho thấy kinh tế gia đình, thành phần dân tộc và khu vực sinh sống có ảnh hưởng rất rõ đến việc có nước sạch và nhà tiêu HVS của gia đình đối tượng nghiên cứu (p<0,001).
Xác suất một phụ nữ thường xuyên có rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi đại tiện cao hơn không đáng kể so với nam giới.
Nếu như việc RTXP trước khi ăn của nhóm đối tượng dưới 40 tuổi cao hơn không nhiều so với nhóm trên 40 tuổi (p>0,05) thì tỷ lệ có RTXP sau khi đại tiện ở nhóm đối tượng dưới 40 tuổi lại cao hơn rõ rệt so với nhóm trên 40 tuổi (p<0,01).
Nhóm đối tượng thuộc dân tộc Kinh có xác suất rửa tay xà phòng trước khi ăn cũng như sau khi đại tiện cao hơn 2,4-2,8 lần so với các dân tộc khác (p<0,001).
Nhóm có học vấn THPT có thực hiện hành vi rửa tay xà phòng sau đại tiện cao hơn khoảng 1,7 lần so với nhóm có trình độ tiểu học (p<0,01).
Kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ người ở nhóm làm nông nghiệp có thực hiện hành vi RTXP trước khi ăn và sau khi đại tiện thấp hơn không nhiều so với những người là công nhân/làm thợ, công chức/viên chức, buôn bán/kinh doanh, làm thuê/làm mướn, nội trợ hay hưu trí.
Kết quả phân tích cho thấy không có sự khác nhau về tỷ lệ RTXP giữa những người sống ở nông thôn và thành thị.
Sự khác biệt chỉ được thấy giữa tỷ lệ RTXP trước khi ăn với việc biết về tác dụng của RTXP là để loại trừ vi trùng, nhưng không thấy có sự khác biệt về tỷ lệ RTXP giữa những người kể được tác dụng của RTXP là để loại trừ vi trùng so với những người không kể được tác dụng đó.
Tỷ lệ RTXP hiện nay khá cao có thể do (1) điều kiện cho rửa tay tiện nghi: 89,4% HGĐ khảo sát có vị trí lấy nước rửa tay ngay nơi đại tiện hoặc chỉ cách nơi đại tiện dưới 5 mét, dụng cụ lấy nước rửa tay 92,6% là vòi nước, 98,4% HGĐ có xà phòng lifebuoy (bánh/gel) tại nơi rửa tay sau đại tiện,… ; (2) trình độ dân trí tăng cao, học sinh đặc biệt là học sinh mầm non được giáo dục, hướng dẫn và thực hành RTXP hàng ngày; (3) RTXP là một trong những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mấy năm vừa qua được truyền thông sâu, rộng và quyết liệt.
Khuyến nghị
Các địa phương cần sớm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương theo quy định tại khoản 3 điều 5 của QCVN 01-1:2018/BYT “Thông số chất lượng nước sạch nhóm B: Các thông số phải thử nghiệm thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành trên cơ sở lựa chọn các thông số đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương » và bố trí kinh phí để thực hiện.
Các trường cần tăng cường công tác vệ sinh hàng ngày, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị vệ sinh để tỷ lệ nhà tiêu trường học đạt HVS cả về xây dựng, bảo quản và sử dụng tương xứng với tỷ lệ đạt HVS về xây dựng bằng cách các trường được bố trí thêm biên chế nhân viên làm tạp vụ về môi trường vệ sinh.
Các trường cần cung cấp đầy đủ, thường xuyên xà phòng tại chổ rửa tay sau đại tiện để duy trì hành vi RTXP của học sinh trở thành thói quen.
Tiếp tục truyền thông duy trì cùng với việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông về ảnh hưởng của việc phóng uế bừa bãi, các bệnh do tiếp xúc với phân người và sử dụng nước sạch cho mọi đối tượng trong cộng đồng.
Khi xây dựng các chính sách, cần tiếp tục có những hỗ trợ cho các gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân sống ở nông thôn vùng sâu, vùng xa có nước sạch cho ăn uống sinh hoạt và nhà tiêu HVS.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chương trình chống lao quốc gia
Tổ chức Hỗ trợ Người khuyết tật Việt Nam

Sơ đồ tổ chức

CEHS có 3 lãnh đạo 1 giám đốc, 2 phó giám đốc và 30&nbsp;cán bộ, chuyên gia y tế, xã hội học&nbsp;làm việc tại văn phòng trung tâm. Ngoài ra CEHS còn có gần 40 cán bộ, chuyên gia&nbsp;trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực liên quan khác, thường xuyên cộng tác với Trung tâm thực hiện các đề tài nghiên...

Thăm dò ý kiến

Thông tin từ website

Tin xem nhiều
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây