Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong toàn ngành Y tế và sự phối hợp của các Bộ, ngành, hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương không ngừng được củng cố và dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Hoạt động y tế dự phòng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, phát triển rộng khắp và sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; nhân lực làm công tác y tế dự phòng được quan tâm, đào tạo, phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn; công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng như bệnh không lây nhiễm, phòng, chống các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe… đều đạt được những thành tựu tích cực được ghi nhận. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi và thanh toán; sản xuất 10 loại vắc xin cung cấp cho dự án mục tiêu tiêm chủng mở rộng quốc gia; công tác kiểm dịch y tế biên giới đã triển khai tại hầu hết các cửa khẩu biên giới; tỷ lệ suy dinh dưỡng chung có xu hướng giảm rõ rệt; công tác sức khỏe môi trường được triển khai mạnh mẽ ở nhiều địa phương; mạng lưới y tế trường học đang từng bước được khôi phục, củng cố và phát triển tại các trường học; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp đã trở thành hoạt động chuyên môn thường trực của hệ thống y tế dự phòng; công tác nghiên cứu khoa học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; công tác thông tin, giáo dục, truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh tạo ra sự chuyển biến tích cực trong xã hội về nhận thức, dần hướng tới thay đổi hành vi của người dân trong phòng chống dịch, bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giao lưu và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, y tế dự phòng Việt Nam liên tục phải đối mặt với những thách thức. Dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng diễn biến phức tạp xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi, đặc biệt là tình huống y tế khẩn cấp trên diện rộng như dịch Covid-19. Một số bệnh trước đây đã được khống chế nay xuất hiện và gia tăng trở lại. Gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm chủ yếu gồm bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính đang gia tăng nhanh…Hệ thống y tế dự phòng ở nhiều nơi bộc lộ rõ những bất cập, hạn chế. Đầu tư cho y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng".
Đánh giá thực trạng hệ thống Y tế dự phòng Việt Nam giai đoạn 2021-2023, định hướng phát triển giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2045 được Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế chủ trì thực hiện từ tháng 3/2024 đến tháng 7/2024. Cuộc điều tra nhằm mục đích đánh giá thực trạng toàn bộ hệ thống y tế dự phòng Việt Nam giai đoạn 2021-2023, xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho hoạch định và cải thiện định hướng phát triển cũng như các chính sách y tế dự phòng trong tương lai.